Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói về vấn nạn sách giả và kiến nghị một số giải pháp cho môi trường số. Ảnh: Thanh Trần
“Ngành xuất bản gần như đuối sức vì vấn đề xâm hại bản quyền”, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM - mở đầu bài phát biểu khi nói về thực trạng ngành xuất bản Việt Nam.
Tại buổi hội thảo sáng ngày 23/12 do Cục Bản quyền tổ chức, nhiều đại diện đến từ phía Chủ thể quyền, đại diện Cục Bản quyền và các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian đã cùng nhau đề xuất các cơ chế nhằm gỡ bỏ một cách hiệu quả các nội dung vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường số.
Ngành xuất bản đang đuối sức vì sách giả
“Chúng tôi đuối lắm rồi, và đôi lúc mất lòng tin vào công việc chống lại sách giả vì chưa tìm được cách nào để giải quyết”, ông Lê Hoàng chia sẻ, với hy vọng có một cơ chế cụ thể trong việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm có thể là “một cái phao" cho ngành xuất bản.
Nếu như trước đây chỉ một số lượng sách giả được bán trực tiếp, thì ngày nay hàng trăm trang bán sách giả đã được phát hiện trong một thống kê gần đây của ngành xuất bản, thực tế còn có thể nhiều hơn. Ông Lê Hoàng vẫn còn nhớ những lần phát hiện khoảng 1-2 tấn sách giả đã là một con số khổng lồ, vậy mà ngày nay đã có lần ông chứng kiến 100 tấn sách giả trong một cơ sở in lậu.
Điều đó chứng tỏ vấn nạn sách giả, sách lậu không hề giảm bớt mà còn tăng mạnh, phần lớn được lan truyền công khai bán trên các mạng xã hội. Bên cạnh đó, những tác phẩm phái sinh từ sách giấy như sách điện tử, sách nói được phát tán một cách công khai trên môi trường số cũng ngày một nhiều hơn.
Hậu quả của nó đến ngành xuất bản có thể được nhìn thấy rõ ràng qua các con số. Tại các nhà sách lớn uy tín, số sách được bán trong cửa hàng từng chiếm 70% nay đã giảm còn 40-30% do vì nhiều người mua bị hấp dẫn bởi sách giả rẻ tiền. Các đơn vị xuất bản cũng lo ngại khi đầu tư làm sách, dẫn đến các đầu sách mới hiện nay đã giảm xuống hơn 50%, theo ông Lê Hoàng.
Một trang bán sách giả trên mạng xã hội. Ảnh: Quỳnh Trang.
Đã có nhiều chiến dịch của các đơn vị xuất bản nhằm giảm thiểu tình trạng này. Tuy nhiên, để đạt được kết quả cần thông qua một quá trình giám định tốn kém và mất thời gian. Trên thực tế, hành động chặn, gỡ những nội dung vi phạm này về mặt kỹ thuật không khó. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về quy trình gỡ bỏ thông tin mà chủ yếu dựa vào quy trình nội bộ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bên cạnh đó, các nền tảng số hiện nay đã áp dụng cơ chế khiếu nại nội dung vi phạm bản quyền nhưng chỉ dùng hệ thống kiểm duyệt tự động, thiếu khâu kiểm tra bằng chứng dẫn đến tình trạng ngay cả chủ sở hữu thật sự cũng có thể bị xóa sản phẩm của chính mình.
Trách nhiệm từ các nền tảng số
Theo Điều 78 về trách nhiệm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, các nền tảng số chỉ có trách nhiệm gỡ bỏ, ngăn chặn các nội dung bị khiếu nại một cách đơn giản và không có bước xác thực.
Để giải quyết các bất cập nói trên, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho rằng cần có một cơ chế cụ thể hơn. Theo đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian có nghĩa vụ gỡ bỏ hoặc ngăn chặn truy cập kịp thời đối với nội dung số vi phạm khi nhận được yêu cầu của cơ quan thẩm quyền (Điều 113 trong dự thảo). Bên cạnh đó, khi nhận được khiếu nại từ tác giả, chủ sở hữu, các nền tảng chỉ tiến hành tạm gỡ bỏ để chờ xem xét chứng cứ từ bên khiếu nại và phản hồi từ bên bị khiếu nại trong một khoảng thời gian nhất định.
Ông Lê Hoàng đánh giá cao tính khả thi của Nghị định trong việc đấu tranh về quyền tác giả. Bên cạnh đó, “để vận dụng nghị định đòi hỏi sự nỗ lực của các chủ thể liên quan, các đơn vị xuất bản trong việc tìm ra các chứng cứ hợp pháp”, ông nói thêm.
(Từ trái sang) Ông Phạm Cao Thái - Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả và ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH,TT&DL. Ảnh: Thanh Trần.
“Đây là một sự thay đổi lớn về mặt chính sách để các Chủ thể quyền, các nhà sáng tạo nội dung có thể làm việc trực tiếp và nhanh chóng với các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian. Đồng thời, các đơn vị này cũng có nghĩa vụ hợp tác để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả, cho biết.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, cũng nhấn mạnh rằng “pháp luật chỉ là điều kiện cần, kỹ thuật mới là điều kiện đủ”. Vì thế, cần có sự hiểu biết về pháp lý và chuẩn bị tốt về mặt công nghệ mới có thể đạt được thành công trên môi trường số.
Chia sẻ với Zing, ông Lê Hoàng cho biết bản thân khá vui mừng bởi các nội dung được dự kiến đưa vào nghị định có thể đem lại nhiều thuận lợi cho cuộc đấu tranh bảo vệ bản quyền vốn đã bắt đầu từ rất lâu trong ngành xuất bản.
“Sau khi nghị định ra đời, Hội Xuất bản Việt Nam cũng sẽ tổ chức các buổi hội thảo để các nhà làm sách cũng như người dân hiểu về cơ sở pháp lý. Đồng thời, ngành xuất bản cũng cần có một đơn vị pháp lý đại diện để làm việc với các nền tảng trung gian, đấu tranh cho ngành xuất bản. Về điều này có thể học hỏi từ Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam trong việc chủ động phối hợp với các nền tảng”, ông nói thêm.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
(Nguồn tin: Zingnews.vn: https://zingnews.vn/co-che-go-bo-noi-dung-vi-pham-quyen-tac-gia-tren-khong-gian-so-post1387615.html)