Hội sách Mùa thu 2018 khai mạc sáng 22/8 tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) với khoảng 60 gian hàng của 50 đơn vị xuất bản, phát hành trên cả nước. Không giống như một số hội sách khác được tổ chức với một phần kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước, Hội sách Mùa thu là sự kiện xã hội hóa. Các đơn vị tham gia tự góp tiền để thực hiện Hội sách.
Ông Huỳnh Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản - thăm một gian hàng tại Hội sách Mùa thu sáng 22/8. Ảnh: Quỳnh Trang.
Trước khi diễn ra, một trong các mục tiêu thực hiện Hội sách được đưa ra là: “Thông qua hoạt động mua bán, Hội sách góp phần làm tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản, cơ sở phát hành, in, và sự phát triển của các đơn vị công nghệ thông tin và truyền thông trong ngành sách”.
Mặc dù bán lẻ sách là hoạt động chủ yếu tại Hội sách Mùa thu, nhưng lợi nhuận phát hành không phải là mục đích lớn nhất với các đơn vị.
Công ty Đông A sở hữu hệ thống nhà sách Cá Chép rộng, đẹp, nằm ở những vị trí đắc địa. Nơi đây không chỉ là nơi bán xuất bản phẩm, mà còn trở thành điểm hẹn văn hóa, nghệ thuật của những người yêu đọc sách. Tuy vậy, Đông A vẫn đưa sách ra công viên tham gia Hội với gian hàng thiết kế đẹp mắt.
Ông Nguyễn Việt Thắng - người quản lý nhà sách Cá Chép Hà Nội - cho biết, Hội sách Mùa thu là ngày hội thường niên của giới xuất bản, góp phần phát triển văn hóa đọc, nên việc tham gia Hội sách là đương nhiên. Với Đông A, tham gia hội sách để tiếp cận, gần gũi hơn với độc giả, là cơ hội để quảng bá thương hiệu, và cũng là một dịp để tri ân độc giả thông qua hình thức giảm giá, chiết khấu.
AZBooks là một công ty sách có sự phát triển mạnh trong vài năm gần đây. 18 thương hiệu sách như Sky Books, Văn Việt, Người Trẻ Việt, I Love Cookbooks… phần lớn hướng tới độc giả trẻ nên công ty này có nhiều hình thức phát hành, tiếp cận độc giả theo hướng trẻ trung, năng động.
Ông Duy Anh - Trưởng phòng phát hành AZBooks - cho biết, sách của công ty phát hành được nhiều nhất qua các kênh online.
Nếu xét về lợi ích kinh tế, tham gia hội sách không phải là một hoạt động phát hành mang lại nhiều lợi nhuận. Ông Duy Anh cho biết đây là hội sách xã hội hóa, khi tham gia phải bỏ khoản tiền không nhỏ. “Hy vọng doanh thu từ hội sách ổn, để có thể bù đắp cho những chi phí như thuê mặt bằng, quảng bá qua các kênh, chi trả cho nhân công, vận chuyển sách…”, ông Duy Anh nói.
Tuy vậy, AZ Books vẫn tham gia Hội sách Mùa thu bởi đây là chương trình mang tính truyền thống của ngành xuất bản, tham gia hội sách là tham gia vào quảng bá sách vở nói chung.
Thêm nữa, công chúng đi Hội sách phần nhiều là bạn trẻ; đây là đối tượng khách hàng chính của AZBooks. Việc tham gia Hội sách là một dịp để công ty sách này tiếp cận đúng đối tượng độc giả của mình.
Ngay trong sáng khai mạc, Hội sách Mùa thu đã thu hút đông đảo độc giả tham dự.
Dựng một gian hàng màu xanh lá, với chú gấu bông Pikalong lớn đứng ở cửa gian hàng vẫy tay chào khách, công ty Comicola gây ấn tượng với nhiều bạn đọc trẻ. Đơn vị xuất bản truyện tranh non trẻ này không mang tới Hội nhiều cuốn sách giấy. Họ có một mục tiêu rõ ràng cho lần dự hội này: Quảng bá cho một phương tiện đọc mới là sách công nghệ.
Đêm trước ngày khai mạc hội sách, Comicola vừa ra mắt một app có tên “Comi”. Đây là nền tảng để đọc các truyện tranh được sáng tác riêng cho các phương tiện công nghệ. Thể loại truyện tranh này được gọi là webtoon, đang rất thịnh hành ở Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, nhiều họa sĩ trẻ như Thành Phong, Châu Chặt Chém, Châu Phạm, Mèo Mun… đã tham gia sáng tác webtoon cho Comi. Sản phẩm mới mẻ này là tâm huyết của những người trẻ với mong muốn phát hành truyện tranh của tác giả Việt trên nền tảng mới, hiện đại.
“Phát hành truyện tranh trên nền tảng kỹ thuật số là tương lai. Vì thế chúng tôi tham gia Hội sách này để giới thiệu một phương tiện thưởng thức mới tới bạn đọc trẻ”, Khánh Dương - người sáng lập Comicola - nói.
(Nguồn tin: https://news.zing.vn/gioi-xuat-ban-hao-hung-voi-hoi-sach-khong-chi-vi-loi-nhuan-post870794.html)