Xung đột môi trường ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới và các giải pháp phát triển bền vững
Lê Ngọc Thanh - Chủ biên, Phạm Hoàng Hải, Mai Trọng Thông, Nguyễn Lập Dân, Nguyễn Siêu Nhân, Lê Văn Hương, Lưu Thế Anh
Nền kinh tế Việt Nam đã có những chuyển đổi to lớn từ khi đổi mới từ năm 1986. Quá trình đổi mới đặt ra ba mục tiêu ban đầu: tăng sự tự chủ về kinh tế, nâng cao quản lý vĩ mô nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Vào những năm đầu thập kỷ 1990, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng chuyển sang hướng thị trường hóa, tư nhân hóa và quốc tế hóa nền kinh tế. Trong quá trình đổi mới, mục tiêu công nghiệp hóa (CNH) và hiện đại hóa (HĐH) là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Điều này được thúc đẩy bởi một loạt các chủ trương, chính sách và các đạo luật, dẫn đến những biến chuyển sâu sắc trong các hệ thống kinh tế, xã hội và môi trường của đất nước. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa (ĐTH) cũng diễn ra nhanh chóng đã gây nên những tác động môi trường nghiêm trọng, biểu hiện cụ thể là thay đổi sử dụng đất, suy giảm tài nguyên và đa dạng sinh học, ô nhiễm đất, nước và không khí. Trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhiều xung đột xảy ra không chỉ có tác động tiêu cực mà cũng có mặt tích cực, đó là sự chuyển hóa mang tính phát triển. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên (TNTN) bất hợp lý có thể ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sự phát triển bền vững (PTBV) nền KT-XH. Tăng trưởng kinh tế cũng dẫn đến nhiều xung đột như sự phân hóa các sắc tộc, những mô hình phát triển KT-XH đa dạng và đặc thù giữa các dân tộc; vấn đề tôn giáo; ảnh hưởng do sự di dân và các hệ canh tác mang tính tập quán lâu đời,…[1].