Thực trạng và giải pháp giải quyết các mâu thuẫn lợi ích trong khai thác sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên
Nguyễn Lập Dân - Chủ biên, Phan Thị Thanh Hằng, Đào Đình Châm
Ranh giới lãnh thổ Tây Nguyên gần trùng với địa giới hành chính của 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Về phía Bắc, giáp với vùng rừng núi của tỉnh Quảng Nam; Phía Nam và Tây Nam giáp các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước; Phía Đông giáp các tỉnh đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận; Phía Tây giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương Quốc Campuchia. Diện tích tự nhiên toàn lãnh thổ Tây Nguyên là 54.473,79 km2, dân số năm 2018 là 5.282.000 người (chiếm 6,01 % dân số cả nước). Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, được gọi là nóc nhà Đông Dương trong quá trình phát triển đất nước “Tây Nguyên là địa bàn quan trọng của cả nước cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh”. Địa hình Tây Nguyên đa dạng, ngoài những núi cao, rừng sâu hiểm trở, còn có những cao nguyên, bình sơn nguyên mênh mông bát ngát, những miền trũng và đồng bằng khá rộng, là những thung lũng giữa núi và những dải bồi tích các sông lớn.