Phát triển bền vững lãnh thổ Tây Nguyên: Đánh giá và Giải pháp
Trần Văn Ý - Đồng chủ biên, Nguyễn Viết Thịnh - Đồng chủ biên, Nguyễn Thanh Tuấn, Ngô Đăng Trí, Trần Thùy Chi, Nguyễn Thế Chinh, Nguyễn Xuân Hậu
Thuật ngữ “Phát triển bền vững” (PTBV) được sử dụng lần đầu tiên bởi
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN) tại Chiến lược bảo tồn Thế giới
năm 1980. Đến năm 1987, thuật ngữ này trở nên phổ biến trên khắp thế giới
nhờ báo cáo Brundtland tại hội nghị của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế
giới. Nhận thức rằng tài nguyên đang dần cạn kiệt và sự phát triển của nhân
loại đã, đang tạo sức ép lên môi trường, ảnh hưởng tới sự phát triển của các
thế hệ tương lai, PTBV đã trở thành vấn đề nóng và nhiều chương trình hành
động hướng tới phát triển bền vững đã được thực hiện.
Để đưa PTBV vào cuộc sống, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều
bắt đầu từ việc hình thành nên một chiến lược PTBV. Có thể định nghĩa
Chiến lược PTBV của một quốc gia, một lãnh thổ là một quá trình được tổ
chức và điều phối, với sự tham gia các thành phần trong xã hội, được tiến
hành thường xuyên thông qua tư duy và hành động để đạt được các mục tiêu
kinh tế, xã hội và môi trường bằng cách tiếp cận hài hòa và tổng hợp. Cho
đến nay vẫn chưa có sự thống nhất chung về nội dung cho tất cả các nước
như mong muốn, tuy nhiên có 5 nguyên tắc của một chiến lược PTBV được
công nhận rộng rãi, đó là: 1) Chiến lược của một vùng, một lãnh thổ và đã
được các quốc gia cam kết thực hiện; 2) Một chiến lược tổng hợp kinh tế, xã
hội và môi trường liên và xuyên suốt các ngành, các lãnh thổ và cho nhiều
thế hệ; 3) Chiến lược có sự tham gia rộng rãi và có hiệu quả của nhiều đối
tác, thành phần xã hội; 4) Cần xây dựng năng lực và tạo dựng một môi
trường làm việc đoàn kết của toàn xã hội; 5) Một chiến lược chú ý đến
ngưỡng (giá trị) mục tiêu PTBV và các biện pháp thực hiện nhằm đạt được
mục tiêu. Có thể nói xây dựng Chiến lược PTBV của một quốc gia/lãnh thổ
là một quá trình mở, hoàn thiện từng bước và liên thông với quá trình PTBV
chung của cả thế giới.