Phân tích hệ thống, mô hình hóa và mô phỏng trong sinh thái học
Nguyễn Văn Sinh
Thế giới được thể hiện không nhiều qua những chức năng riêng rẽ của vô số các yếu tố của nó mà chủ yếu là qua những tương tác giữa các yếu tố đó. Một số yếu tố tương tác mạnh mẽ với nhau, số khác tương tác với nhau rất yếu và có những yếu tố không tương tác với nhau. Thuật ngữ hệ thống được dùng để mô tả một tập hợp các yếu tố tương tác tương đối mạnh mẽ với nhau và tương tác tương đối yếu với môi trường chung của chúng sao cho có thể nhận thấy được mục đích các hành vi của chúng. Nếu xem xét kỹ càng hơn thì trong thực tiễn có đầy rẫy những hệ thống như thế và thậm chí có các hệ thống của các hệ thống: con người, động vật, cây cỏ, hệ sinh thái, máy móc, các nhà máy, các thành phố, quốc gia,… (Bossel, 1992).
Một hệ có mục đích của nó hoặc có thể gán cho nó một mục đích. Điều này có nghĩa là vì lợi ích của các yếu tố và cấu trúc của hệ mà sự phát triển của những trạng thái nhất định thích hợp hơn sự phát triển của những trạng thái khác. Ví dụ: một hệ sinh thái rừng trồng phù hợp cho việc sản xuất gỗ chứ không phù hợp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học.