Lipit, Axit béo và oxylipin của san hô
Phạm Quốc Long, Imbs AB
San hô vốn là những sinh vật rất đơn giản, chúng tồn tại ở khắp cả các vùng biển, nông cũng như sâu. Chúng là những cá thể hình trụ rất nhỏ có hàng xúc tu ở đỉnh được sử dụng để bắt mồi trong môi trường nước và được xếp vào lớp san hô (Anthozoa), ngành động vật Ruột khoang (Coelenterata) trong hệ thống phân loại. Một số lớn san hô phát triển dạng tập đoàn và hình thành nên bộ xương chung. San hô có 2 nhóm chính là san hô cứng và san hô mềm.
Trong số đó, nhiều loài san hô cứng có khả năng hình thành rạn và được gọi là san hô tạo rạn. Chúng chỉ phân bố hạn chế ở những vùng biển nông, ấm áp và cấu trúc đá vôi do chúng liên kết lại thành rạn san hô. Ngay trong điều kiện hoàn toàn thuận lợi, san hô tạo rạn tăng trưởng rất chậm. Bộ xương của một số san hô khối chỉ tăng trưởng vài milimet trong một năm, nhưng đối với san hô cành tăng trưởng nhanh hơn và cành có thể dài ra đến 150mm sau một năm. Qua hàng thế kỷ, thiên niên kỷ, sự sinh trưởng của những san hô này (cùng với các sinh vật khác có thể tích tụ đá vôi như rong vôi) hình thành nên những cấu trúc đá vôi khổng lồ mang đặc thù của một hệ thống sống - đó là rạn san hô.