Địa chấn học và động đất tại Việt Nam
Phạm Văn Thục
Sau hơn 80 năm kể từ khi trạm quan sát động đất Phủ Liễn (Kiến
An) được thành lập và 50 năm nước ta chính thức tham gia năm Vật
Lý Địa Cầu Quốc Tế (năm 1957) ngành khoa học vật lý địa cầu nói
chung và bộ môn địa chấn học nói riêng đã có những phát triển khá
nhanh đặc biệt trong gần 20 năm đổi mới vừa qua. Đến nay ta đã có
một đội ngũ cán bộ được đào tạo khá bài bản và có trình độ cao
cộng với các quá trình hợp tác với các nước, ta cũng đã có một
mạng lưới các trạm quan trắc khá dầy với độ chính xác cao, cùng
các thiết bị phụ trợ như các thiết bị thông tin, máy tính hiện đại và
nhiều thiết bị khác, đồng thời với sự phát triển và đạt được nhiều
thành tựu của các ngành khoa học liên đới khác như địa chất, kiến
tạo, các lĩnh vực địa vật lý thăm dò… ngành địa chấn học cũng đã
có nhiều công trình khoa học được công bố rải rác trong các sách,
tạp chí khác nhau.
Một trong những đặc điểm của đội ngũ cán bộ làm công tác
nghiên cứu về địa chấn của nước ta hiện nay là được đào tạo từ
nhiều nguồn và đến từ nhiều bộ môn khoa học khác nhau có liên
quan như địa chấn thăm dò, vật lý và kỹ thuật …cho nên quyển
sách: " Địa Chấn Học và Động Đất tại Việt Nam" được biên soạn
nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về ngành khoa học này đồng
thời cũng là một dịp để trình bầy một số kết quả nghiên cứu về địa
chấn ở nước ta trong 50 năm qua.