Đặc điểm sinh học, di truyền và bảo tồn lợn rừng Tây Nguyên
Hoàng Nghĩa Sơn
Lợn rừng là động vật hoang dã, tuy không phải là loài thú quý hiếm nhưng lại có giá trị kinh tế cao và là nguồn gốc của các giống lợn nhà hiện nay. Kết quả giải mã và phân tích gen cytochrom b, 16 S và D-loop ti thể của từ 20 lợn rừng sống trong điều kiện tự nhiên thu thập tại khu vực Tây Nguyên cho thấy lợn rừng Tây Nguyên, Việt Nam (Sus scrofa) tách biệt về mặt di truyền so với các nhóm lợn rừng Châu Á khác như lợn rừng Hàn Quốc, lợn rừng Thái Lan và lợn rừng Indonesia với khoảng cách di truyền khá lớn (Hoàng Nghĩa Sơn, 2014).
Thịt lợn rừng từ trước đến nay được người tiêu dùng Việt Nam xem là đặc sản, ngoài lý do thịt lợn rừng thơm, ngon, ngọt,… thì còn một lý do rất quan trọng là không thể dễ dàng tìm được thịt lợn rừng trong tự nhiên. Mặt khác, nguồn thịt lợn rừng tự nhiên do thợ săn bẫy được trong rừng thường ít, không ổn định và khi đến người tiêu dùng thì chất lượng thịt đã bị giảm đi rất nhiều do phương pháp bảo quản không tốt. Từ việc khan hiếm thịt lợn rừng mà trong thời gian gần đây rộ lên phong trào nuôi lợn rừng ở rất nhiều nơi trên cả nước. Ở một số tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã “mọc” lên nhiều trang trại nuôi lợn rừng. Quy mô chăn nuôi lợn rừng theo đó cũng rất đa đạng, từ những hộ nhỏ lẻ nuôi từ 5 đến 10 con cho đến những trang trại nuôi từ 200 đến 300 con. Với quỹ đất rộng, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp ở Tây Nguyên đang tìm cách phát triển mạnh mô hình nuôi lợn rừng theo hình thức chăn thả bán tự nhiên. Điều này đang mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Tây Nguyên. Xác định đây là xu hướng để phát triển kinh tế, có khả năng làm giàu, nên nhiều gia đình hiện nay cũng đang từng bước ươm nuôi và mở rộng quy mô chăn nuôi lợn rừng.