Lời nói đầu
Cùng với sự phát triển và thành công của công nghệ sinh học nói chung, công nghệ tế bào động vật nói riêng cũng đã thu được những thành tựu đáng kể. Nền móng của phân ngành công nghệ tế bào động vật có thể xem như hình thành từ năm 1885, khi nhà nghiên cứu phôi học Roux đã có thể duy trì đĩa tủy của phôi gà trong nước muối ấm được vài ngày. Vào năm 1955, Harry Eagle đã sử dụng hỗn hợp các axit amin, vitamin, các co-factor, carbohydrate và muối với một lượng nhỏ huyết thanh để thay thế cho các dịch chiết mô phức tạp, hay huyết tương dùng trong nuôi tế bào và mở ra một thời kỳ mới trong nuôi cấy nhân tạo tế bào động vật in vitro. Sau đó, hàng loạt các kĩ thuật nhằm khai thác, biển đổi và ứng dụng các tế bào động vật (TBĐV) nuôi cấy in vitro được tiến hành như nghiên cứu sinh lý tế bào, các đột biến di truyền, sự chuyển hóa nội bào, tạo dòng tế bào,…