Vật liệu biến hoá có chiết suất âm: Công nghệ chế tạo, tính chất và ứng dụng
Vũ Đình Lãm
Tôi đến với vật liệu biến hóa (Metamaterial) một cách rất tình cờ tại trường Đại học Hanyang, Hàn Quốc trong một lần giáo sư hướng dẫn yêu cầu tôi tự mình tìm ra một hướng nghiên cứu mới vào năm 2006. Ngày ấy, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả một đất nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển như Hàn Quốc, khi ai đó được nghe về một loại vật liệu có khả năng tạo ra chiết suất âm, sóng lan truyền theo hướng ngược lại với nguồn phát, một nửa sẽ không tin và một nửa sẽ hỏi lại tới hai lần. Cho tới thời điểm này, sau gần 20 năm kể từ ngày vật liệu biến hóa đầu tiên được chế tạo thành công, số lượng bài báo nghiên cứu về lĩnh vực này tăng vọt, trở thành một trong những đề tài nóng nhất trên thế giới và được các tạp chí uy tín đánh giá là một trong những vật liệu có tiềm năng thay đổi cả thế giới, vật liệu biến hóa đã ngày càng được biết đến rộng rãi hơn trong giới khoa học.
Mục tiêu của cuốn sách là mang đến cho người đọc tóm tắt về lịch sử hình thành và phát triển gần 20 năm của vật liệu biến hóa, cùng với những hiểu biết cơ bản nhất về vật liệu biến hóa có chiết suất âm từ những kết quả của nhóm nghiên cứu vật liệu biến hóa – Metagroup tại Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hiện nay, phạm vi nghiên cứu về vật liệu biến hóa đã vượt qua khỏi phạm vi tạo ra vật liệu chiết suất âm đơn thuần. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng những kiến thức căn bản này sẽ là nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học về vật liệu biến hóa và trong nhiều lĩnh vực khác, cũng như là một nền tảng vững chắc cho những định hướng nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ trong tương lai về vật liệu biến hóa tại Việt Nam.