Ở nước ta hiện nay, nhu cầu sử dụng vật liệu polymer, chất dẻo và polymer compozit không ngừng tăng trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghiệp (hóa chất, xây dựng, dệt may, kiến trúc, giao thông, cơ khí…), quốc phòng, an ninh và trong đời sống dân sinh. Ưu điểm chính của các vật liệu này là nhẹ, một số bền hơn các vật liệu truyền thống, dễ tạo hình dạng mong muốn, dễ trang trí, có tính chất cách âm và cách nhiệt tốt… Một trong các nhược điểm của các sản phẩm từ polymer, chất dẻo là tính dễ cháy, kém bền với nhiệt độ cao... Trên thực tế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng dung môi, hoá chất, polymer, chất dẻo, cao su, giấy, vải, sơn, lớp phủ hữu cơ, keo dán là những nơi luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ lớn. Các sự cố hỏa hoạn xảy ra từ các sản phẩm, vật liệu nói trên tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, khu chung cư, trung tâm thương mại, chợ,… gây thiệt hại lớn về người và của, gây ô nhiễm môi trường.
Để nâng cao khả năng kìm hãm và chống cháy cho polymer, chất dẻo, người ta đã và đang áp dụng nhiều giải pháp khác nhau như sử dụng các chất phụ gia kìm hãm và chống cháy, giảm phân hủy nhiệt, tạo môi trường khí trơ, môi trường chân không hoặc giảm nồng độ oxy tới mức thấp nhất ở nơi có các sản phẩm từ polymer, chất dẻo, vật liệu polymer blend và polymer compozit… Sử dụng các chất phụ gia kìm hãm và chống cháy là giải pháp đơn giản, điển hình và có hiệu quả kinh tế nhất vì nó không đòi hỏi trang thiết bị và điều kiện đặc biệt, dễ thao tác... Có những vật liệu bị cháy ở vài trăm độ và để chống cháy, bằng các giải pháp, phụ gia kìm hãm và chống cháy thích hợp, độ bền nhiệt của polymer, chất dẻo có thể tăng thêm vài chục đến vài trăm độ, nhờ đó khả năng chậm cháy của chúng được cải thiện đáng kể. Một số loại hạt, bột khoáng, sợi tổ hợp có các chất phụ gia bị phân hủy nhiệt trong quá trình cháy polymer, chất dẻo, tạo ra lớp cách nhiệt hoặc tạo ra nước, góp phần giảm nhiệt độ và làm cho vật liệu không tiếp tục bị cháy lan nữa...