Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể. Đi kèm với những sự tăng trưởng đó, các khu công nghiệp (KCN) được xây dựng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay mới chỉ có 74/171 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Chính việc xây dựng các KCN một cách ồ ạt và thiếu kiểm soát như vậy đã khiến môi trường tại những khu vực này và các khu vực xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong thành phần nước thải công nghiệp, ngoài các hợp chất gây ô nhiễm như các kim loại nặng, các hợp chất ammoni, xianua, v.v. thì hỗn hợp các hợp chất hydrocarbon thơm đa vòng (PAH) và phenol là những hợp chất độc hại, khó phân hủy, gây ra mùi khó chịu, tác động xấu tới môi trường sinh thái, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, gia tăng bệnh tật và tỷ lệ người mắc bệnh ngay cả ở nồng độ rất thấp, đồng thời cũng là tác nhân tiềm ẩn gây ung thư. Chính vì vậy, việc loại bỏ PAH và phenol ra khỏi nguồn nước thải là một việc làm cần thiết và cấp bách.
Trước thực trạng như vậy, các biện pháp khắc phục đã được đề xuất như cải tiến quy trình xử lý chất thải, áp dụng các phương pháp khác nhau để làm sạch các chất ô nhiễm nói chung và hydrocarbon vòng thơm nói riêng. Các biện pháp khác nhau như xử lý bằng nhiệt, hoá học, cơ học và sinh học, v.v. đang được áp dụng rộng rãi, trong đó phương pháp xử lý sinh học đang được xem là phương pháp có nhiều triển vọng. Phương pháp sinh học có ưu điểm là kinh phí đầu tư không nhiều, có thể tiến hành thuận lợi trong điều kiện tự nhiên, độ an toàn rất cao và xử lý chất gây ô nhiễm triệt để, tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi thời gian khá dài.
Việc tìm kiếm các vi sinh vật bản địa có khả năng phân huỷ các chất gây ô nhiễm đặc biệt là hydrocarbon thơm đa vòng và phenol là một việc làm đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Các chủng thuần khiết hay tập hợp các chủng sau khi nghiên cứu kỹ về khả năng chuyển hoá hydrocarbon thơm đa vòng hoặc phenol sẽ là nguồn nguyên liệu quý giá trong tập đoàn chủng vi sinh vật nhằm tạo nên các phế phẩm làm sạch ô nhiễm ở những vùng mà điều kiện môi trường có thể kiểm soát được.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về vai trò phân hủy sinh học PAH và phenol của các chủng vi sinh vật bản địa (tại Việt Nam), cũng như dựa trên những kết quả nghiên cứu nổi bật của Đề tài “Ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý nước thải có chứa hydrocarbon thơm đa vòng” của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tài trợ; Đề tài: “Phân lập và tuyển chọn các chủng vi khuẩn có khả năng phân hủy phenol trong nước thải khu công nghiệp” của Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Dự án Quốc tế song phương “Innovative Process of Remediation of Polycyclic Aromatic Hydrocarbons (PAH)” số No.04/13568 và một số đề tài, nhánh đề tài khác có liên quan, cuốn chuyên khảo “Khả năng phân hủy sinh học hydrocarbon thơm đa vòng (PAH) và phenol của vi sinh vật phân lập tại Việt Nam” do PGS.TS. Nghiêm Ngọc Minh biên soạn đã được xuất bản. Cuốn sách gồm những nội dung sau: Phần thứ nhất, giới thiệu một số kiến thức cơ bản về PAH và phenol, đồng thời trình bày các hiểu biết về vi sinh vật liên quan đến khả năng và cơ chế phân hủy sinh học các PAH và phenol ở các môi trường ô nhiễm. Ở phần thứ hai tác giả trình bày các phương pháp, công trình, các kết quả phân lập, tuyển chọn và khả năng phân hủy PAH và phenol của các vi sinh vật phân lập được từ các loại hình ô nhiễm khác nhau tại Việt Nam… Đây là những kết quả tổng kết từ các đề tài đã được thực hiện trong nhiều năm. Cuốn sách có thể làm cơ sở cho nghiên cứu ứng dụng trong việc xử lý các chất ô nhiễm khác bằng phương pháp phân hủy sinh học nhờ vi sinh vật.
Những kết quả nghiên cứu và kiến thức giới thiệu trong cuốn sách chuyên khảo này là tập hợp từ những công trình mà tác giả và đồng nghiệp đã thu nhận được đối với lĩnh vực xử lý PAH và phenol bằng con đường phân hủy nhờ vi sinh vật. Hy vọng cuốn sách sẽ giúp ích cho bạn đọc hiểu thêm về phân hủy sinh học nhờ vi sinh vật nói chung và phân hủy sinh học PAH và phenol nói riêng trong tham khảo, nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và rất mong nhận được nhiều ý kiến góp ý để cuốn sách xuất bản lần sau được hoàn thiện hơn.