Công nghệ tạo Vaccine cúm gia cầm từ thực vật: Từ nghiên cứu đến định hướng ứng dụng tại Việt Nam
Chu Hoàng Hà - Chủ biên, Phạm Bích Ngọc, Phan Trọng Hoàng, Udo Conrad, Hồ Thị Thương, Phạm Thị Vân, Vũ Huyền Trang
Cúm gia cầm thể độc lực cao (Highly Pathogenic Avian Influenza - HPAI) do virus cúm A/H5N1, A/H7N9 gây ra là bệnh truyền nhiễm cấp tính có tốc độ lây lan nhanh với tỷ lệ gây chết cao trong đàn gia cầm bị bệnh. Dịch cúm gia cầm liên tục tái phát hàng năm với tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp. Hàng chục triệu gia cầm và thuỷ cầm đã bị chết hoặc bị tiêu huỷ gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho ngành chăn nuôi. Đặc biệt, chủng virus cúm A/H5N1, A/H7N9 có thể xâm nhiễm gây bệnh ở người với tỉ lệ tử vong rất cao và đang trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho sức khoẻ cộng đồng.
Sự tiến hoá của virus cúm gia cầm A/H5N1 có thể làm thay đổi tính kháng nguyên dẫn đến ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch của gia cầm khi được tiêm phòng vaccine. Do đó, nếu chủ động được nguồn vaccine sẽ giúp giảm chi phí cho nền kinh tế và đáp ứng kịp thời nhu cầu khi có các biến chủng virus mới xuất hiện tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi quá trình nghiên cứu và sản xuất vaccine cần được rút ngắn, tăng quy mô sản xuất, giảm công sức và chi phí để cung cấp kịp thời một lượng lớn vaccine cúm trên diện rộng. Mô hình sản xuất kháng nguyên HA tái tổ hợp bằng phương pháp biểu hiện tạm thời ở thực vật là một giải pháp hữu hiệu, cho phép sản xuất vaccine với số lượng lớn và nhanh chóng (1-2 tháng) đáp ứng kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Điều này được giải thích là do hàm lượng protein tái tổ hợp cao, không bị ảnh hưởng bởi vị trí gắn gen đích trong tế bào thực vật và có thể tiến hành biểu hiện trong các mô đã biệt hóa hoàn toàn như lá. Hơn nữa, các vaccine được sản xuất từ thực vật là vaccine tiểu đơn vị nên có độ an toàn cao. Vì vậy, việc nghiên cứu biểu hiện các kháng nguyên của virus cúm A trong tế bào thực vật cho mục đích phát triển vaccine là rất cấp thiết trong tình hình nguy cơ dễ bùng nổ dịch bệnh cúm trên gia cầm ở Việt Nam.